Nhựa Bình Minh vẫn chưa 'nung chảy' sau 1 năm đổi chủ
Doanh thu, sản lượng tiêu thụ, lợi nhuận trước và sau thuế năm 2018 của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã: BMP) đều không đạt kế hoạch sau 1 năm The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd thuộc Tập đoàn SCG (Thái Lan) giành quyền kiểm soát và trở thành cổ đông lớn nhất sở hữu 54,39% vốn.
Nhựa Bình Minh vẫn chưa 'nung chảy' sau 1 năm đổi chủ.
Cần thêm thời gian ổn định bộ máy
Chia sẻ bên lề Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 vừa được tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh cho biết sau 1 năm đối tác Thái Lan trở thành cổ đông lớn, đến nay, vẫn chưa có bất cứ sự hỗ trợ nào về mặt phát triển thị trường. Công việc chính thời gian qua của 2 bên chủ yếu là chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hệ thống quản trị, tồn kho, logistics, vốn lưu động…
Vị tổng giám đốc có 30 năm gắn bó với Nhựa Bình Minh lý giải, các thành viên HĐQT mới cần thêm thời gian để tiếp cận, nắm bắt tình hình công ty bởi nhiệm kỳ 2018 - 2023 có đến 4/5 thành viên lần đầu tiên tham gia vào HĐQT.
“Tập đoàn SCG sở hữu nền tảng dữ liệu và quản trị khá tiên tiến với gần 20 năm kinh nghiệm vận hành hệ thống ERP. Với khoảng 300 công ty con, công ty thành viên, họ có thể hợp nhất tài chính chỉ trong 4 ngày”, ông Ngân bày tỏ sự tôn trọng đối với SCG nhưng cũng khẳng định tất cả chính sách kinh doanh của Nhựa Bình Minh đến nay không hề mang “màu sắc” nào từ tập đoàn này.
“Ở Thái Lan, khi giá nguyên liệu tăng, họ điều chỉnh giảm chiết khấu cho nhà bán hàng/nhà phân phối để bảo toàn biên lợi nhuận. Nếu áp dụng điều này ở Việt Nam, 100% khách hàng sẽ bỏ đi hết”, ông Ngân lấy ví dụ.
Thời gian qua, Nhựa Bình Minh buộc phải chọn cách mà ông Ngân gọi là “giật gấu vá vai”, khi nhân sự ở bộ phận này vẫn phải gánh thêm trách nhiệm hỗ trợ công việc của phòng ban khác. Việc tiết kiệm nguồn nhân lực đã tới mức giới hạn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động, nên ban lãnh đạo đang xem xét lại kế hoạch bổ sung nhân sự cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo đó, một trong những dự án lớn nhất mà Nhựa Bình Minh đang thực hiện là cấu trúc lại hệ thống tiền lương theo hệ thống HRM.
Cạnh tranh khốc liệt
Doanh thu thuần hợp nhất và lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Nhựa Bình Minh lần lượt đạt 4.130 tỷ đồng và 530 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch 4% và 11,7%. Dù vậy, đây vẫn là những con số cao hơn các doanh nghiệp cùng ngành.
“Tôi cực kỳ ngạc nhiên với mức lợi nhuận năm 2018 dưới 400 tỷ đồng của công ty cùng ngành là Nhựa Tiền Phong. Dù trước đó, khi biết kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Nhựa Bình Minh, tôi đã chuẩn bị tinh thần phải kiểm điểm. Nói như vậy để thấy, mức độ cạnh tranh trong ngành nhựa hiện nay thực sự khốc liệt”, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh chia sẻ.
Khi cung vượt cầu, để chạy đua gia tăng thị phần, nhiều doanh nghiệp ngành nhựa đã lựa chọn chiến thuật giảm giá bán, tăng chiết khấu cho nhà phân phối. Hiện mức chiết khấu bình quân các sản phẩm của Nhựa Bình Minh khoảng 20%, thấp hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành 6 - 17%. Nếu Nhựa Bình Minh cũng tăng chiết khấu như cách đối thủ đang làm, lợi nhuận sẽ bị ăn mòn.
Trong khi đó, cuộc “đổ bộ” vào ngành nhựa của các tên tuổi lớn như Tập đoàn Hoa Sen, Tân Á Đại Thành… chắc chắn sẽ khiến việc gia tăng thị phần của Nhựa Bình Minh hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác trong ngành rất khó khăn.
Đây cũng là đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam. Sự gia nhập của Hoa Sen, Tân Á Đại Thành và Phúc Hà ở cả khu vực phía Nam và phía Bắc đã đe dọa vị thế dẫn đầu đầu của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. KIS Việt Nam cho biết công suất hiện tại của 5 công ty lớn nhất thị trường ống nhựa là 543.000 tấn/năm, trong khi hiệu suất sử dụng trung bình năm 2018 chỉ khoảng 63%.
“Cần lưu ý rằng tổng công suất tối đa của những doanh nghiệp này có thể đạt 766.000 tấn mỗi năm. Do đó, thị trường ống nhựa sẽ tiếp tục khó khăn trong những năm tiếp theo”, KIS Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, theo ông Ngân, miền Bắc là thị trường cạnh tranh rất nóng bỏng, ngay cả với “ông trùm” khu vực là Nhựa Tiền Phong cũng đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sự nở rộ, mở rộng của nhiều dự án mới.
“Dự kiến giữa tháng 5 tới, chúng tôi sẽ làm việc với Nhựa Bình Minh miền Bắc để đánh giá toàn bộ hoạt động, xem xét phương án tăng thị phần lên cao nhất có thể”, ông Ngân chia sẻ.
Tin tức khác
- Khủng hoảng tái chế toàn cầu từ lệnh cấm rác thải nhựa của Trung Quốc - (11/05/2019)
- Túi nhựa sẽ phân hủy trong điều kiện thích hợp - (11/05/2019)
- Ông Hồ Đức Lam rời ghế CEO Nhựa Rạng Đông - (11/05/2019)
- Unilever đầu tư sản xuất bao bì thân thiện với môi trường - (11/05/2019)
- Ngành nhựa: Giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu - (11/05/2019)
Tin nổi bật
-
Ông Hồ Đức Lam rời ghế CEO Nhựa Rạng Đông
11/05/2019